HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ THAY GIÁM ĐỐC: DỄ HAY KHÓ?
Một vấn đề tưởng như quá rõ ràng, hội đồng quản trị (HĐQT) thay giám đốc thì có gì phải bàn cãi. Vì pháp luật về doanh nghiệp quy định HĐQT có quyền lập ra giám đốc. Vậy thì, hiển nhiên HĐQT cũng sẽ có quyền bãi nhiệm, thay thế giám đốc. Trên thực tế, tranh chấp có thể phát sinh liên quan đến vấn đề bổ nhiệm giám đốc mới.
Theo đó, công ty A có giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Tình huống là HĐQT bổ nhiệm một giám đốc mới, thay thế cho giám đốc cũ. Tuy vậy, một nhóm cổ đông sở hữu 27% cổ phần phổ thông không đồng ý với quyết định này.
ĐIỀU LỆ CỦA CÔNG TY
Điều lệ của công ty được coi như là một bản hợp đồng của các cổ đông. Đã gọi là hợp đồng thì các bên tùy ý thỏa thuận. Dẫu vậy, giới hạn của sự tùy ý là phải trong khuôn khổ của pháp luật. Để thuận tiện cho các nhà đầu tư khi thành lập công ty, pháp luật thể hiện những yêu cầu mà các nhà đầu tư cần tuân thủ khi xây dựng điều lệ. Trong pháp luật doanh nghiệp của Việt nam, nguyên tắc này được thể hiện rõ ràng trong điều 22. Theo đó, 15 nội dung mà các bản điều lệ bắt buộc phải có. Ngoài ra có thể qui định thêm, miễn là không trái với các nguyên tắc của luật doanh nghiệp.
Một trong các nội dung bắt buộc phải ghi nhận trong điều lệ công ty là người đại diện theo pháp luật. Bản chất của việc ghi nhận này có hai mục đích:
1. Thuận tiện cho các bên trong quá trình giao dịch với công ty
2. Ràng buộc trách nhiệm của công ty bởi các hành vi của người đại diện
THẨM QUYỀN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), bầu ra HĐQT, thay mình quản lí công ty. Đến lượt mình, HĐQT bổ nhiệm giám đốc để điều hành hoạt động hàng ngày của công ty. Về mặt lí thuyết, HĐQT do ĐHĐCĐ lập ra, nên HĐQT hoạt động vì lợi ích của các cổ đông. Nhưng trên thực tế, ĐHĐCĐ bị phân hóa bởi nhiều nhóm cổ đông với nhiều lợi ích khác nhau. Cũng vì thế, hệ quả là HĐQT cũng phân hóa theo các nhóm lợi ích của cổ đông đã bầu ra mình.
Trong công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật có thể là Chủ tịch hoặc giám đốc. Với chức năng là người điều hành hoạt động hàng ngày của công ty, khuynh hướng thường giao vai trò người đại diện cho giám đốc. Cũng vì vậy, Điều 116 Luật Doanh nghiệp quy định: “Trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty”. Nói như thế không có nghĩa là nếu điều lệ không có quy định chủ tịch là người đại diện thì suy đoán giám đốc là người đại diện. Về mặt pháp lý cũng như thực tiễn về đăng kí doanh nghiệp không chấp nhận phương án suy đóan. Nhưng điều đó nói lên một khuynh hướng khá phổ biến, thường giám đốc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Rắc rối cũng từ đây mà ra. Theo quy định của Điều 22, điều lệ công ty phải ghi nhận vấn đề người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Vấn đề là điều lệ công ty ghi chức danh hay ghi tên người? Phương án được cơ quan đăng kí kinh doanh chấp nhận đó là cả hai. Có nghĩa là ở mục đại diện theo pháp luật phải xác định rõ ai là người đại diện theo pháp luật và người ấy giữ chức vụ gì (chủ tịch hay giám đốc).
Trở lại với tình huống được nêu ra từ đầu. HĐQT miễn nhiệm giám đốc để bổ nhiệm giám đốc mới. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của HĐQT, nhóm cổ đông nắm giữ 27% cổ phần phổ thông không có ý kiến gì. Nhưng vì giám đốc là người đại diện theo pháp luật, được ghi nhận trong điều lệ, do vậy thay đổi giám đốc khác cũng đồng nghĩa là phải sửa đổi điều lệ của công ty. Nhưng khi muốn sửa đổi điều lệ, vấn đề không còn thuộc thẩm quyền của HĐQT nữa mà đã thuộc quyền của ĐHĐCĐ. Đến đây, không có sự đồng ý của nhóm cổ đông nắm giữ 27% cổ phần phổ thông thì không sửa đổi điều lệ được (theo Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2015, việc sửa đổi điều lệ công ty phải được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận, nếu Điều lệ công ty không quy định một tỉ lệ khác).
Như vậy, mặc dù việc bổ nhiệm giám đốc mới được HĐQT tiến hành theo đúng quy định của pháp luật tới đây không thể thực hiện được vì lí do thủ tục.
NGƯỜI ĐẠI DIỆN CỦA CÔNG TY: CHỨC DANH HAY CON NGƯỜI?
Đến đây, ta bàn một câu chuyện rất cũ: Tư cách pháp nhân. Một “con người” do pháp luật tạo ra, có nghĩa việc thực hiện các chức năng của công ty phải thông qua người đại diện. Ông A, ngoài xã hội là một con người cụ thể với các mối quan hệ phức tạp. Khi vào công ty, ông không hành xử với tư cách là ông A nữa mà là giám đốc công ty. Ông có quyền năng tương ứng với vị trí mà ông này đang đảm nhiệm. Để có được quyền hạn này, ông phải được công ty đồng ý trao quyền. Nhưng khi công ty trao quyền cho giám đốc, hệ quả là công ty phải chịu trách nhiệm về các hệ quả pháp lý do ông giám đốc kia thực hiện khi nhân danh công ty. Sau này, công ty đổi ông giám đốc B, công ty cũng phải chịu trách nhiệm với các giao dịch do ông giám đốc A thực hiện. Công ty không thể lấy lí do, tôi đổi giám đốc rồi không chịu trách nhiệm. Các bên muốn khiếu nại công ty, cũng trưng ra bằng chứng là hợp đồng do giám đốc kí, mà không quan tâm ông giám đốc ấy hiện thời còn tại vị hay không. Học lí nói pháp nhân độc lập với các cá nhân tổ chức khác là như vậy.
Cũng vì lẽ đó, Luật Doanh nghiệp quy định: “Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty được quy định tại Điều lệ công ty”. Quy định này là hợp lí. Nhưng đến khi thực thi, cơ quan đăng kí kinh doanh lại quá cẩn thận khi yêu cầu các doanh nghiệp phải chỉ rõ tại thời điểm đăng kí ai đang là người đại diện theo pháp luật với chức vụ là gì. Thiết nghĩ, yêu cầu này của cơ quan quản lí hợp lí trên một vài khía cạnh nhưng nhìn tổng thể, nó lại tỏ ra không ổn. Vì ông B có thể thay thế ông A, nhưng chức danh giám đốc thì không thay đổi với bấy nhiêu quyền và nghĩa vụ được qui định trong luật và điều lệ. Nó vẫn bảo đảm việc ràng buộc trách nhiệm đối với công ty đấy thôi. Chưa kể, việc xác định người đại diện theo pháp luật theo phương án hiện này có thể gây ra những phiền toái không cần thiết trong việc phải sửa đổi điều lệ và vô hiệu hóa quyền của HĐQT trong việc bổ nhiệm người điều hành (giám đốc) như trong tình huống đề cập.
Bài được viết bởi Phạm Hoài Huấn, Giảng viên Đại học Luật. Ông cũng là giảng viên hướng dẫn chuyên đề “Pháp luật kinh doanh và hội nhập” của Hệ thống đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
ĐĂNG KÝ THAM DỰ NGAY HÔM NAY
“Pháp luật Doanh nghiệp và Hội nhập” là một trong 15 chuyên đề thuộc Hệ thống đào tạo trực tuyến của Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Chương trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Tìm hiểu thêm về các chuyên đề và đăng ký tham dự tại đây: http://vietnamsme.live.com/he-thong-hoc-truc-tuyen/