HỘI THẢO “NÔNG NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI 4.0 – HỘI NGHỊ KẾT NỐI IRELAND – VIỆT NAM”
Ngày 08/9/2022, tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra Hội nghị “Nông nghiệp trong thời đại 4.0 - Kết nối Ireland – Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có Ông Martin Heydon - Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland, Ông John McCullagh - Đại sứ nước Cộng hòa Ireland tại Việt Nam và các chuyên gia, đại diện Doanh nghiệp Ireland và Việt Nam, đại diện cơ quan báo chí.
Phát biểu khai mạc, Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ sự vui mừng và vinh dự cùng Ông Martin Heydon đồng chủ trì Hội nghị “Nông nghiệp trong thời đại 4.0 - Kết nối Ireland – Việt Nam” để thúc đẩy hợp tác phát triển ngành nông nghiệp của hai nước thông qua việc kết nối, chia sẻ kinh nghiệm những công nghệ tiên tiến của Ireland, góp phần phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Đây là một sự kiện đặc biệt đánh dấu sự hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland, mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa hai Bộ góp phần thúc đẩy hợp tác đối với các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là doanh nghiệp hai nước.
Việt Nam và Ireland có lịch sử hợp tác lâu dài và bền vững. Từ năm 2006 - 2020, Cộng hòa Ireland đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 130 triệu Euro thông qua chiến lược quốc gia các giai đoạn. Trong đoạn 2017-2020, Chính phủ Ireland phối hợp với phía Việt Nam triển khai Chương trình Chia sẻ kinh nghiệm phát triển Ireland (Irish Development Experience Sharing - IDEAS) nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, xây dựng quan hệ hợp tác, kết nối giữa các cơ quan đơn vị Việt Nam với các đối tác Ireland trong các lĩnh vực như: kinh tế vĩ mô, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, giáo dục, xúc tiến đầu tư, phát triển khu vực tư nhân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Ireland trong thời gian qua và thấy rằng việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác tiếp theo nhằm phát triển ngành nông nghiệp cũng như đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi mà xu hướng phát triển gắn với công nghệ cao và bền vững là vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với mỗi quốc gia.
Thực tiễn của hơn 30 năm đổi mới cho thấy, Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu, phải nhập khẩu lương thực chuyển sang một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản thuộc nhóm hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; xuất siêu đạt 3,96 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành một trong các nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ. Các mặt hàng như cá basa, cá ngừ, tôm, cà phê, hạt điều,.. đã có vị thế khá vững chắc trên thị trường, chiếm ưu thế và đã trở thành thực phẩm rất quen thuộc với người tiêu dùng các nước trên thế giới.
Thành tựu đó có sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, những người đang chung sức, nỗ lực không ngừng để tạo dựng nên nhiều thương hiệu nông sản Việt – niềm tự hào của quốc gia trên trường quốc tế.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong tiến trình hướng tới một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện nay, hầu hết máy móc, thiết bị của doanh nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài do ngành chế tạo máy phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam còn thô sơ, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Thứ hai, khó khăn về giống, vật nuôi: Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay phải nhập khẩu giống, vật nuôi từ nước ngoài.
- Thứ ba, thị trường tiêu thụ không bền vững; chuỗi liên kết với các nhà phân phối bán lẻ lớn còn chưa chặt chẽ. Việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết còn nhiều hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân, doanh nghiệp còn yếu, còn xảy ra tình trạng dư thừa, thiếu hụt cục bộ sản phẩm nông nghiệp ảnh hưởng tới thu nhập của người sản xuất.
- Thứ tư, nhân lực đa số trình độ thấp, tính tự do, manh mún cao; chưa được đào tạo về tiến bộ công nghệ, kỹ thuật. Lao động vùng nông thôn tuy dồi dào nhưng ý thức công nghiệp chưa cao, mất nhiều thời gian đào tạo và tuyên truyền vận động. Mối quan hệ giữa lao động nông thôn với các doanh nghiệp cũng chưa được gắn bó, ổn định.
Lĩnh vực nông sản và thực phẩm của Ireland đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là nhân tố đóng góp chính cho tăng trưởng của quốc gia. Nông nghiệp Ireland có thế mạnh hàng đầu thế giới do: (i) chú trọng phát triển lĩnh vực nghiên cứu thị trường để nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu; (ii) ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh; (iii) áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về quản lý an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Ireland trên toàn thế giới; (iv) triển khai chương trình bền vững quốc gia về nông nghiệp và thực phẩm - Origin Green với sự tham gia của Chính phủ, các nhà sản xuất và khu vực tư nhân với mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp Ireland.
Nền Nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Do vậy, việc học hỏi kinh nghiệm từ Ireland có ý nghĩa quan trọng cho Việt Nam nhằm hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian trước mắt cũng như dài hạn.
Xuất phát từ nhu cầu đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ireland tổ chức buổi Hội thảo này với mục tiêu:
- Thứ nhất, chia sẻ thông tin về tình hình phát triển nông nghiệp Việt Nam, trong đó tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi để hai bên cùng nắm bắt, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai.
- Thứ hai, tạo cơ hội để các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tiếp cận các công trình nghiên cứu, các công nghệ 4.0 hiện đại Ireland đang áp dụng để có được kết quả đáng kể nêu trên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu hai nước có cơ hội thảo luận, chia sẻ và kết nối tại Hội thảo.
- Thứ ba, chia sẻ bài học về phát triển bền vững giữa hai Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan về trách nhiệm cộng đồng của các doanh nghiệp, cá nhân tham gia chuỗi giá trị ngành nông nghiệp qua đó khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt nam tới thị trường khu vực và trên thế giới.
Hội thảo là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất nhiều hoạt động hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hai nước trong tương lai./.