Chương trình do Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (TAC), Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID LinkSME thực hiện nhằm giúp nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương.
Tham gia lớp học có gần 50 học viên đại diện cho các Sở, ban ngành, Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc chúc mừng học viên các tỉnh đến tham gia lớp học bởi nội dung là rất cần thiết và bổ ích, thiết thực, trang bị kiến thức, kỹ năng cho mỗi cán bộ hiện là nhân tố nòng cốt tham mưu, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp tại địa phương mình.
Ông đánh giá cao sứ mệnh Dự án LinkSME trong 2 năm vừa qua đưa ra nhiều hoạt động triển khai hỗ trợ cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam và đã mang lại hiệu quả, sự lan tỏa trong cộng đồng DN. Đặc biệt trong bối cảnh tác động dịch covid hiện nay với nền kinh tế nước ta thì công tác hỗ trợ DN lại càng quan trọng.

Sau bài phát biểu, là phần các chủ đề chuyên sâu về định hình chiến lược, tình huống. Dưới sự giảng dạy tận tình, tính tương tác, phản biện giữa thầy và trò, các học viên hăng say nghe giảng, để chương trình dạy không nhàm chán thì những tình huống thực hành cho học viên thường là sôi nổi, quan tâm nhất.
Ông Phạm Quốc Trình, phòng Đăng ký kinh doanh, Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Cao Bằng cho biết, qua 2 ngày, nội dung tôi thích hơn cả là về chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Như mọi người đã biết doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng năng lực sản xuất, kinh doanh rất yếu và thiếu hầu như rất ít chuỗi cung ứng, còn về chuỗi giá trị là không có. Ngoài ra, nội dung phần học về trao đổi và đàm phán cũng rất bổ ích. Những kiến thức thu được nêu trên giúp tôi tiếp cận DN một cách tốt hơn, chủ động hơn, từ đó hỗ trợ DN hiệu quả.

Còn bà Lại Thị Thanh Hoa, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao tri thức, Đại học Thái Nguyên chia sẻ, sau khi học và thực hành cùng thầy giáo và mọi người trong lớp, có 2 phần kiến thức cho tôi nhìn nhận, hiểu được rõ ràng hơn đó là: Kỹ năng giao tiếp, đàm phám và thuyết trình hiệu quả và phần làm bài tập thực hành.
Ở kỹ năng đầu tiên là Giao tiếp – Đàm phán – Thuyết phục theo quy trình, từng bước cho đơn vị, doanh nghiệp khi tiếp cận, gặp gỡ. Đây là nội dung yêu thích và tôi sẽ hỗ trợ, áp dụng luôn vào phần bài giảng của mình cho các em sinh viên đang có ý tưởng khởi nghiệp.

Còn thực hành làm bài tập giúp tôi thấy rõ được doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì phải chia ra từng giai đoạn cụ thể và ứng với mỗi giai đoạn luôn song hành là khâu rủi ro và phải học cách chấp nhận và ứng xử phù hợp với giai đoạn khó khăn đó.
Như vậy, với những lớp học đã, đang và sẽ triển khai của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc phối hợp cùng Dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID LinkSME đã tạo cơ hội để các tổ chức hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng đồng hành cùng khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp.