PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRONG BỐI CẢNH MỚI
Ước tính trong giai đoạn 2015-2017, khu vực kinh tế tư nhân (trong đó doanh nghiệp tư nhân có vai trò chủ đạo) đóng góp gần 50% GDP, trên 30% thu ngân sách nhà nước, 45% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.
Tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực này tương đối ổn định. Dù có đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận các nguồn vốn như: vốn tín dụng từ các ngân hàng, nguồn vốn từ các quỹ… để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, Chính phủ đã không ngừng triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý với những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, tạo động lực cho doanh nghiệp (DN) phát triển. Điển hình, trong năm 2014, Chính phủ trình và Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư và Luật DN (sửa đổi) nhằm tạo sự thay đổi tích cực môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Phá sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật thuế Thu nhập DN và hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật/đã được ban hành, tác động tích cực tới cộng đồng DN.
Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo, đôn đốc triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng phục vụ của Chính phủ, chính quyền các cấp đối với người dân và DN, xoá bỏ mọi rào cản, đảm bảo quyền tự do bình đẳng kinh doanh của cá nhân và DN. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Nghị quyết số 75/NQ-CP về cắt giảm mức phí, chi phí cho DN; Nghị quyết số 98/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân… Đồng thời, Chính phủ cũng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế, chú trọng công tác trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa (DNNVV).
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực pháp lý, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV, tại Kỳ họp thứ 3 Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV (Luật số 04/2017/QH14). Luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, với hàng loạt chính sách hỗ trợ cơ bản dành cho các DNNVV như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thông tin, phát triển nguồn nhân lực, tư vấn, công nghệ… đã tạo bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện chính sách hỗ trợ tích cực cho DNNVV phát triển mạnh mẽ hơn.
Số lượng doanh nghiệp gia tăng mạnh
Việc ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách trên đã tạo sự chuyển biến mạnh trong cộng đồng DNNVV. Tính chung trong giai đoạn 2011-2016, cả nước có 504.073 DN đăng ký thành lập mới. Giai đoạn 2011-2014, số DN đăng ký thành lập mới có suy giảm, tuy nhiên, đến năm 2015 – 2016, số DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động gia tăng mạnh mẽ.
Sự gia tăng trở lại này trùng với thời điểm Luật DN 2014 và Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2015. Thực tế, Luật DN và Luật Đầu tư 2014 tạo cơ chế thông thoáng, tác động trực tiếp, thuận lợi cho DN trong quá trình kinh doanh, khi DN có quyền tự quyết về số lượng, hình thức, nội dung của con dấu; được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; Đồng thời, thời gian đăng ký thành lập DN đã được rút ngắn còn 03 ngày. Năm 2017, số DN đăng ký thành lập mới đạt 126.859 DN; có 26.448 DN quay trở lại hoạt động. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế trong năm 2017 đạt 3.165.233 tỷ đồng, gồm: Số vốn đăng ký của DN đăng ký thành lập mới là 1.295.911 tỷ đồng và số vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn là 1.869.322 tỷ đồng với 35.276 lượt DN đăng ký bổ sung vốn.
Năm 2017, số DN đăng ký thành lập mới đạt 126.859 DN; có 26.448 DN quay trở lại hoạt động. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế trong năm 2017 đạt 3.165.233 tỷ đồng, gồm: Số vốn đăng ký của DN đăng ký thành lập mới là 1.295.911 tỷ đồng và số vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn là 1.869.322 tỷ đồng với 35.276 lượt DN đăng ký bổ sung vốn.
Song song với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, việc cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh cho DN cũng được các bộ, ngành chú trọng. Riêng lĩnh vực đăng ký DN, kể từ ngày 20/1/2018, lệ phí đăng ký DN được giảm 50% so với quy định trước đây và miễn phí 100% lệ phí đối với trường hợp DN đăng ký qua mạng điện tử.
Nguồn: Tapchitaichinh.vn